Trong Đông y, dược liệu ngũ bội tử với thành phần hóa học đa dạng, tác dụng vào kinh thận, can và phế nên được dùng để trị hiệu quả các bệnh lí như: trị tiêu chảy ra máu do lị lâu ngày gây ra, ho lâu ngày, có đờm hay ho ra máu.
NGŨ BỘI TỬ
Để đi tìm hiểu sâu hơn về công dụng của ngũ bội tử và cách dùng cây thuốc này ra sao, mời mọi người cùng kham khảo bài viết dưới đây của Y Cổ Truyền!
Ngũ Bội Tử Là Gì?
Ngũ bội tử là chỗ sùi ở lá, cành và thân cây muối hoặc cây diêm phu mộc do loài sâu ngũ bội gây ra. Vị thuốc này có tác dụng cầm tiêu chảy, thu liễm, chỉ huyết và cố tinh. Với công năng đa dạng, ngũ bội tử được nhân dân sử dụng để chữa chứng lòi dom, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy, di hoạt tinh,…
- Tên gọi khác: Bầu bí, Bơ pật, Bách trùng thương, Văn cáp.
- Tên khoa học: Schlechtendalia sinensis Bell
- Tên dược: Galla sinensis
- Họ: Đào lộn hột (danh pháp khoa học: Anacardiaceae)
Ngũ bội tử là túi nhỏ do sâu ngũ bội gây ra ở cành lá của cây diêm phu mộc hoặc cây muối, thuộc họ Đào lộn hột.
Đặc Điểm Tự Nhiên
Ngũ bội tử: Loài sâu Ngũ bội tử sống trên cây Muối (Rhus chinensis Mill.), sau đó tạo thành các tổ ở cành non hoặc cuống lá. Các tổ này thường có hình nhiều nhánh hoặc hình trứng, bề mặt có lông mịn màu xám nhạt hoặc đỏ nâu. Bẻ đôi tổ thấy vách dày từ 1 – 2 mm, cứng, bóng. Bên trong tổ đôi khi còn các mảnh của sâu.
Gồm có 2 loại:
- Giác bội là các tổ dạng hình củ ấu, dạng sừng, phân các nhánh không đều nhau, vách khá mỏng, nhiều lông tơ mềm.
- Đỗ bội là các tổ hình trứng hoặc hình thoi, dài từ 2,5 – 9 cm, rộng từ 1,5 – 4 cm, mặt ngoài màu xám, có ít lông tơ mềm, dễ vỡ do cứng và giòn.
Cây muối
Cây muối loại cây lâu năm, cây cao từ 2 đến 8m. Khi cây muối bị một loài sâu đục xâm nhập, chúng sẽ chích vào lá cây hoặc cành non và đẻ trứng vào. Sau đó sẽ hình thành những nốt sần nhỏ trên các cành non và lá do tác động của các chất mà sâu tiết ra. Các nốt sần này được gọi là ngũ bội tử. Chúng có thể có hình dáng như quả trứng (Đỗ bội) hoặc chia thành nhiều nhánh (Giác bội), nguyên dạng hoặc bị vỡ đôi, vỡ ba. Trên bề mặt có nhiều lông mịn, ngắn, màu xám nhạt, có khi màu đỏ nâu. Thành của nó dày, cứng, bóng như sừng, bên trong có những lông nhỏ màu trắng như sợi len và các mảnh của con sâu. Các nốt này thường xuất hiện vào tháng 5, tháng 6.
Phân bố:
Ngũ bội tử có ở nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Ở nước ta, có thể thấy ngũ bội tử ở các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang.
Cách Thu Hoạch Và Chế Biến
Vào khoảng tháng 5 – 6, sâu Ngũ bội tử cái từ các cây khác di chuyển đến cây Muối để đẻ trứng vào lá hoặc cành non. Từ những vị trí bị sâu tác động, cây cho ra các Ngũ bội.
Vào khoảng tháng 9, các Ngũ bội này được thu hái rồi đem về giết con sâu ở trong bằng cách hấp, sau đó đem phơi khô. Nên bảo quản ngũ bội tử ở nơi khô ráo, tránh ẩm thấp.
Thành Phần Hóa Học Của Ngũ Bội Tử
Tỷ lệ tanin của ngũ bội tử Việt Nam là 50%, loại tốt lên tới 60 – 70%, có khi tới 80% sau khi đã trừ đi độ ẩm. Tanin trong dược liệu còn gọi là axit galotanic. Thủy phân axit sẽ cho axit galic.
Ngoài tanin ra, trong dược liệu này còn có axit galic tự do, 2 – 4% chất béo, nhựa và tinh bột.
Có thể bạn quan tâm:
Tác Dụng Của Ngũ Bội Tử Là Gì?
1. Theo y học cổ truyền
Ngũ bội tử có vị chua, tính bình, vào 3 kinh phế, thận, đại tràng, có tác dụng liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, liễm hãn, sáp trường.
Dược liệu được dùng để chữa ho do phế hư, trĩ ngoại do lỵ lâu ngày, đổ mồ hôi, nổi mụn nhọt.
Đây là vị thuốc thu liễm trong đi tiêu chảy, lỵ ra máu, giải độc gan, hoàng đản.
Ngoài ra còn là nguyên liệu để thuộc da, nhuộm màu đen, chế mực…
2. Theo y học hiện đại
- Tác dụng cầm máu
Tanin làm tủa protid trong da, niêm mạc ở các chỗ loét, làm cho chỗ loét săn se tạo thành lớp cứng, đồng thời có tác dụng cầm máu nhờ gây đông máu.
- Tác dụng giải độc
Giải độc alkaloid vì khi có khả năng phản ứng với nhóm hợp chất này, giảm hấp thụ alkaloid vào cơ thể.
Các Bài Thuốc Từ Ngũ Bội
Một số bài thuốc phổ biến từ ngũ bội tử:
Bệnh lỵ ra máu lâu ngày: Dùng 40g ngũ bội tử, phèn phi 20g rồi tán bột viên với hồ, uống với nước cơm, mỗi lần dùng 2g đến 8g, ngày uống 2 – 3 lần.
- Ho lâu ngày, khạc ra máu:
Dùng Ngũ bội tử sao tán nhỏ, uống mỗi lần 4 g với nước chè vào sau bữa ăn, ngày uống 2 – 3 lần (Theo Nam Dược thần hiệu).
- Đau bụng tiêu chảy:
Tán ngũ bội tử thành viên bột bằng hạt đậu xanh, ngày uống 15 – 20 viên với nước Bạc hà. Cần thực hiện liên tục để có hiệu quả tốt nhất.
- Trị bệnh trĩ:
Lấy 500g ngũ bội tử khô và tán vụn rồi ngâm vào lọ chứa 1 lít cồn 52,5%. Bọc kín lại và ủ từ 1 đến tháng. Lọc lấy phần nước rồi nấu sôi vô trùng. Sát khuẩn, vô trùng hậu môn vùng trĩ, sau đó chích dung dịch vào búi trĩ, bên trong uống thuốc giữ không cho táo bón.
- Trị xuất tinh sớm:
Ngũ bội tử và hạt tiêu mỗi vị 20g, khổ sâm và địa phu tử mỗi vị 30g. Thực hiện sắc thuốc và uống mỗi ngày.
- Trị bệnh tưa miệng:
Chuẩn bị 3g băng phiến và 20g ngũ bội tử. Tán thành bột mịn, sau đó thổi vào lưỡi. Thực hiện 2 lần mỗi ngày cho đến khi khỏi.
- Trị bệnh lòi dom và sa tử cung:
Chuẩn bị một ít ngũ bội tử sắc lấy nước rửa.
- Trị chứng lòi dom ở trẻ em:
Địa du và ngũ bội tử mỗi vị bằng lượng nhau. Tán nhỏ, dùng 1 ít bột uống với nước cơm.
Xem thêm:
Lưu Ý Khi Sử Dụng Ngũ Bội Tử
Ngoài cây Muối, ở một số địa điểm của nước ta và Lào, còn có loài Sơn búts (Rhus semialata Roxb. var. roxburghii DC.) cũng hay bị một loại sâu khác tạo ra trên cành non những ngũ bội nhỏ hơn, kích thước đồng đều, cỡ quả nho, đầu có màu đỏ sau chuyển thành màu đen, thành dày khoảng 0,05 cm.
Ở nước ta, ngoài dùng Ngũ bội nhập của Trung Quốc, còn có thể xài Ngũ bội tử trong nước, thu hoạch trên cây Rhus semialata Mill.
Trước đây phải nhập Ngũ bội tử Thổ Nhĩ Kỳ (Galla Turcia), tổ do loài ong Cynips gallae tinctoriae Oliv. gây trên cành non của Quercus infectoria Oliv. thuộc họ Giẻ (Fagaceae).
Trên đây là những thông tin về ngũ bội tử và tác dụng của loại dược liệu này mà chúng tôi muốn chia sẽ đến bạn. Đây là vị thuốc quý trong việc cải thiện nhiều bệnh, nhưng dùng liều lớn hoặc sử dụng trong điều trị dài hạn có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy, trước khi áp dụng bất kì bài thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết chính xác liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng.
Y HỌC CỔ TRUYỀN
Y Học Cổ Truyền là dự án website thuộc quản lý và phát triển bởi Y Sĩ Lê Hồng Quang. Website chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các bài viết và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về Y Học Cổ Truyền. Chúng tôi tập trung vào các hạng mục như: BÀI THUỐC, CÂY THUỐC, HUYỆT ĐẠO, CHỨNG BỆNH, SÁCH THUỐC, SÁCH Y HỌC, CẨM NANG, ...
Bài viết liên quan: