Huyệt Âm Lăng Tuyền là một trong những huyệt đạo trên cơ thể, theo tạp chí Y Học Cổ Truyền Âm Lăng Tuyền có công dụng điều vận trung tiêu, hóa thấp trệ, điều hòa bàng quang…. Vì vậy mà huyệt được ứng dụng nhiều trong việc chữa các bệnh viêm khớp gối, viêm ruột, di tinh, cổ trướng, tiểu không tự chủ, đái dầm, bí tiểu…
ÂM LĂNG TUYỀN
Vậy huyệt Âm Lăng Tuyền là gì? Vị trí huyệt ở đâu? Cách châm cứu như thế nào? Hãy cùng Y Cổ Truyền tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Huyệt Âm Lăng Tuyền Là Gì?
Ý nghĩa tên gọi đó là: Huyệt nằm ở chỗ lõm (giống như con suối nhỏ = tuyền) ở dưới đầu xương chầy (giống hình cái gò mả = lăng), ở mặt trong chân (Âm) vì vậy gọi là Âm Lăng Tuyền (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Âm Chi Lăng Tuyền, Âm Lăng.
Xuất xứ
Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).
Đặc tính
- Huyệt thứ 9 của kinh Tỳ.
- Huyệt Hợp, thuộc hành Thủy.
Vị Trí Huyệt Đạo Ở Đâu?
Ở chỗ lõm làm thành bởi bờ sau trong đầu trên xương chầy với đường ngang qua nơi lồi cao nhất của củ cơ cẳng chân trước xương chầy, ở mặt trong đầu gối. Hoặc dùng ngón tay lần theo bờ trong xương ống chân, đến ngay dưới chỗ lồi xương cao nhất, đó là huyệt Âm Lăng Tuyền.
Giải phẫu
- Dưới da là bờ sau – trong và mặt sau đầu xương chầy, chỗ bám của cơ kheo, dưới chỗ bám của cơ bán mạc, mặt trước cơ sinh đôi trong.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy sau và nhánh của dây thần kinh hông kheo.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.
Huyệt Đạo Âm Lăng Tuyền Có Tác Dụng Gì?
Điều vận trung tiêu, hóa thấp trệ, điều hòa bàng quang.
Chủ trị
Trị khớp gối viêm, kinh nguyệt không đều, ruột viêm, di tinh, cổ trướng, tiểu không thông, tiểu dầm.
Cách Châm Cứu Huyệt Âm Lăng Tuyền Chính Xác
Châm thẳng (theo mé bờ sau xương ống chân), sâu 1 – 2 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Ngoài ra, khi phối hợp huyệt với các huyệt đạo khác có công dụng chữa bệnh:
1. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) trị bụng bị lạnh (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Liệt Khuyết (P 7) + Thiếu Phủ (T.8) trị tâm thống (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Ẩn Bạch (Ty 1) trị trong ngực nóng, thình lình tiêu chảy (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) trị tiểu bí (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Địa Cơ (Ty 8) + Hạ Quản (Nh 11) trị bụng cứng (Tư Sinh Kinh).
6. Phối Giải Khê (Vi 41) + Thái Bạch (Ty 4) + Thừa Sơn (Bq 57) trị thổ tả (Châm cứu Đại Thành).
7. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) trị đầu gối sưng (Ngọc Long Kinh).
8. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Thủy Phân (Nh 9) + Trung Cực (Nh 3) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị tiểu bí, bụng trướng nước (Châm cứu Học Giản Biên).
9. Phối Chí Âm (Bq 67) + Dương Cương (Bq 48) + Đởm Du (Bq 19) + Nhật Nguyệt (Đ 24) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị hoàng đản (Trung Quốc Châm cứu Học Khái Yếu).
10. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Đại Đôn (C 1) trị tiểu khó (Châm cứu Học Thượng Hải).
11. Phối Quan Nguyên (Nh 4) + Thủy Phân (Nh 9) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị cổ trướng (Châm cứu Học Thượng Hải).
Xem thêm
Tham Khảo Thêm Về Âm Lăng Tuyền
“Bệnh ở phía trên và trong cơ thể (thuộc về tạng) phải thủ Âm Lăng Tuyền” (Linh Khu 1, 127).
Nhiệt bệnh, rốn đau kịch liệt, lan lên ngực và hông sườn đau nhói, châm Dũng Tuyền (Th 1) + Âm Lăng Tuyền “ (Linh Khu.23, 29).
“Huyệt Âm Lăng Tuyền và Thuỷ Phân (Nh 9) làm tiêu dược chứng thuỷ thũng, vùng rốn đầy” (Bách Chứng Phú).
“Huyệt Âm Lăng Tuyền trị chứng ngực đầy” (Tịch Hoằng Phú).
“Huyệt Âm Lăng Tuyền khai thông ở thuỷ đạo” (Thông Huyền Chỉ Yếu Phú).
“Chứng hạc tất phong làm cho gối bị sưng. Châm 2 huyệt Dương Lăng Tuyền (Đ 34) rồi đến Âm Lăng Tuyền” (Ngọc Long Kinh).
“Đau từ tiểu trường lan đến vùng rốn. Trước châm Âm Lăng Tuyền rồi đến Dũng Tuyền (Th 1)” (Thiên Tinh Bí Quyết).
“Tả Bá Hội (Đc 20) + bổ Âm Lăng Tuyền, có tác dụng giống như bài Bán Hạ Bạch Truật Thiên Ma Thang trong sách Y Học Tâm Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Huyệt Âm Lăng Tuyền, Khí Hải, Quan Nguyên và Trung Cực có công hiệu khác nhau. Huyệt Âm Lăng Tuyền là yếu huyệt về thấp khí, có tác dụng vận hóa thủy thấp, kiện Tỳ, bổ hư, hành thấp, ôn Tỳ. Thường dùng trong trường hợp Tỳ hư, thấp thịnh hoặc thấp ức chế Tỳ thổ. Huyệt Khí Hải là yếu huyệt về Nguyên khí, thường dùng trị nguyên khí bất túc; . . Huyệt Quan Nguyên chủ yếu về Dương khí, có tác dụng điều nhiếp thủy đạo, ôn bổ nguyên dương. Thường dùng khi chân dương bất túc. Huyệt Trung Cực là yếu huyệt về thủy khí, có tác dụng điều nhiếp thủy đạo, nhiếp và lợi tiểu, thường dùng để thông nhiếp thủy đạo (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).
“Tả Âm Lăng Tuyền + Hành Gian (C 2) + Khâu Khư (Đ 40) có tác dụng tả thực nhiệt ở Can Đởm. Giống bài Long Đởm Tả Can Thang của sách Hòa Tễ Cục Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
– “Âm Lăng Tuyền, Tam Âm Giao, Thái Bạch là 3 huyệt của kinh Tỳ nhưng có công dụng khác nhau. Âm Lăng Tuyền: có tác dụng kiện Tỳ, khứ thấp, trị Tỳ bị hư yếu”
Tam Âm Giao: có tác dụng kiện Tỳ, nhiếp huyết trị Tỳ không thống huyết. Thái Bạch: có tác dụng kiện Tỳ, bổ hư, trị Tỳ bị hư yếu. (Du Huyệt Công Năng Biệt Giám). “Châm tả Phong Long + tả Âm Lăng Tuyền (Ty 9) có tác dụng giống như bài Nhị Trần Thang của sách Hòa Tễ Cục Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
Xem thêm: Hương Nhu
Tổng Kết
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẽ về huyệt đạo Âm Lăng Tuyền, mọi người đã hiểu thêm về huyệt đạo này. Tuy nhiên người bệnh không tự ý châm cứu tại nhà để tránh gây hại cho sức khỏe. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tìm đến các cơ sở uy tín cung cấp dịch vụ châm cứu, trị liệu bằng phương pháp Y Học Cổ Truyền đáng tin cậy
Y HỌC CỔ TRUYỀN
Y Học Cổ Truyền là dự án website thuộc quản lý và phát triển bởi Y Sĩ Lê Hồng Quang. Website chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các bài viết và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về Y Học Cổ Truyền. Chúng tôi tập trung vào các hạng mục như: BÀI THUỐC, CÂY THUỐC, HUYỆT ĐẠO, CHỨNG BỆNH, SÁCH THUỐC, SÁCH Y HỌC, CẨM NANG, ...
Bài viết liên quan: