Huyệt Thừa Sơn

Huyệt Thừa Sơn

Huyệt Thừa Sơn là một trong những huyệt đạo quan trọng trên cơ thể con người, trong Đông Y thường dùng để điều trị một số chứng bệnh Trị cơ bắp chân co rút, thần kinh tọa đau, chi dưới liệt, gót chân đau,…Nếu tác động chính xác có thể cải thiện tốt tình hình bệnh lí của người bệnh.

HUYỆT THỪA SƠN

Vậy bạn đã biết vị trí và cách châm cứu của huyệt Thừa Sơn chưa? Hãy cùng Y Cổ Truyền tìm hiểu dưới bài viết sau đây nhé!

Huyệt Thừa Sơn Là Gì?

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thừa Sơn đó là: Huyệt ở vị trí cuối bắp chân (có hình dạng hình chữ V, như cái núi). Huyệt lại ở vị trí chịu (tiếp) sức mạnh của toàn thân, vì vậy gọi là Thừa Sơn (Trung Y Cương Mục).

Tên gọi khác

Ngọc Trụ, Ngư Phúc, Nhục Trụ, Trường Sơn.

Xuất xứ

Thiên ‘Vệ Khí’ (Linh Khu 52).

Đặc tính

  • Huyệt thứ 57 của kinh Bàng Quang.
  • Theo thiên Vệ Khí (Linh Khu 52): Có 4 nơi chính mà khí các đường kinh đến hội tụ, phải thủ huyệt nơi này để trị các chứng đầu đau, choáng váng, té nhào, bụng đau, Trung tiêu đầy trướng. Nếu khí ở ngực, châm vùng Bối Du và các vùng động mạch 2 bên rốn, nếu khí ở đầu trị ở vùng não, nếu khí ở cẳng chân nên trị ở huyệt Khí Nhai và Thừa Sơn và vùng trên dưới mắt cá chân…”.

Vị Trí Huyệt Thừa Sơn

Vị Trí Huyệt Thừa Sơn

Ở giữa đường nối huyệt Ủy Trung và gót chân, dưới Ủy Trung 8 thốn, ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi ngoài và trong.

Tham khảo thêm

  1. Huyệt Thừa Cân
  2. Huyệt Thừa khấp
  3. Huyệt Thiên Xu

Giải phẫu

  • Dưới da là góc giữa cơ sinh đôi ngoài và trong, cơ dép, góc giữa cơ gấp dài các ngón chân và cơ gấp dài ngón chân cái, cơ chầy sau, màng gian cốt.
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S2.

Tác Dụng Huyệt Thừa Sơn

Thư cân lạc, lương huyết, điều phủ khí.

Chủ trị

Trị cơ bắp chân co rút, thần kinh tọa đau, chi dưới liệt, gót chân đau, trĩ, trực trường sa.

Cách Châm Cứu Huyệt Đạo

Châm thẳng 1 – 1,5 thốn. Cứu 3–5 tráng. Ôn cứu 5–10 phút.

Phối hợp huyệt:

1. Phối Thừa Cân (Bq.56) trị chân đau (Thiên Kim Phương).

2. Phối Kinh Cốt (Bq.64) + Thừa Cân (Bq.56) + Thương Khâu (Ty.5) trị chân co quắp (Thiên Kim Phương).

3. Phối Thái Khê (Th.3) trị đại tiện khó (Tư Sinh Kinh).

4. Phối Thương Khâu (Ty.5) trị trĩ (Châm Cứu Đại Thành).

5. Phối Trung Phủ (P.1) trị tiêu chảy gây ra chuột rút bắp chân (Châm Cứu Đại Thành).

6. Phối Tinh Cung (Chí Thất – Bq.52) + Trường Cường (Đc.1) + Tỳ Du (Bq.20) trị tiêu ra máu (Châm Cứu Đại Thành).

7. Phối Phục Lưu (Th.7) + Thái Bạch (Ty.3) + Thái Xung (C.3) trị tiêu tiểu ra máu (Châm Cứu Đại Thành)

8. Phối Đái Mạch (Đ.26) + Giải Khê (Vi.41) + Thái Bạch (Ty.3) trị hậu môn sưng (Châm Cứu Đại Thành).

9. Phối Côn Lôn (Bq.60) + Ngư Phúc (Thừa Sơn – Bq.57) trị vọp bẻ, xoay xẩm (Châm Cứu Đại Thành).

10. Phối Trường Cường (Đc.1) trị trường phong, hạ huyết (Bách Chứng Phú).

11. Phối Ẩn Bạch (Ty.1) + Hạ Liêu (Bq.34) + Hội Dương (Bq.35) + Lao Cung (Tb.8) + Phục Lưu (Th.7) + Thái Bạch (Ty.3) + Thái Xung (C.3) + Trường Cường (Đc.1) trị tiêu ra máu (Thần Cứu Kinh Luân).

12. Phối Cự Khuyết (Nh.14) + Đại Đô (Ty.2) + Thái Bạch (Ty.3) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị Tâm thống do giun (Loại Kinh Đồ Dực).

13. Phối Côn Lôn (Bq.60) trị vọp bẻ, chuột rút bắp chân (Trung Quốc Châm Cứu Học).

14. Phối Phi Dương (Bq.58) trị đùi tê đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

15. Phối Tam Âm Giao (Ty.6) trị dịch hoàn viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).

16. Phối Chiếu Hải (Th.6) trị bắp chân bị vọp bẻ [chuột rút] (Châm Cứu Học Thượng Hải).

17. Phối Thừa Phò (Bq.36) + Trường Cường (Đc.1) trị hậu môn sưng ngứa, đau nhức (Châm Cứu Học Thượng Hải).

18. Phối Côn Lôn (Bq.60) trị gân gót chân đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).

19. Phối Bàng Quang Du (Bp.28) + Chương Môn (C.13) + Đại Trường Du (Bq.24) trị táo bón (Châm Cứu Học Thượng Hải).

20. Phối Túc Tam Lý trị ứ huyết trong bụng (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

Tham khảo

Thiên Thông Bình Hư Thực Luận ghi: “Bệnh giản, thích 5 mạch: châm thủ Thái âm (Ngư Tế) 5 nốt, túc Thái dương (Thừa Sơn) 5 nốt…” (Tố Vấn 28, 55).

“Chín loại rò tổn thương người, ắt châm Thừa Sơn hiệu như thần …” (Ngọc Long Ca).

“Nếu là bệnh trĩ, cốt thư lở, Thừa Sơn, Thương Khâu hiệu như thần” (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).

“Thừa Sơn tên Ngư Phúc, ở giữa cơ bắp chân, giỏi trị lưng đau, trĩ, táo bón, cước khí, gối sưng, phong thấp nhức mỏi, hoắc loạn, vọp bẻ, châm vào Thừa Sơn sẽ yên ngay” (Mã Đơn Dương Thập Nhị Huyệt Ca).

“Châm cứu trị trĩ, chỉ chọn huyệt ở kinh túc Thái dương. Sách Nội Kinh ghi: mạch túc Thái dương sở sinh bệnh trĩ ngược, thấy hư, thịnh, nhiệt, hàn, hạ hãm mà chọn. Vì thế đời sau chọn huyết Thừa Sơn…” (Đan Khê Tâm Pháp).

“Phối Thừa Sơn với Túc Tam Lý (Vi.36). Thừa Sơn thuộc kinh túc Thái Dương Bàng Quang, đường kinh này đi xuống dọc theo cột sống.

Bàng Quang và Thận có quan hệ biểu lý, vì vậy có thể điều hòa được khí ở Đại Trường, Tiểu Trường và hạ tiêu. Túc Tam Lý từ ngực đi xuống bụng, có liên hệ biểu lý với Tỳ. Vì vậy, nó có thể sơ thông được khí trệ ở vùng ngực bụng.

Phối Thừa Sơn với Túc Tam Lý có tác dụng thông điều trường vị. Khi trường vị hòa thì nhiệt độc được thanh, bệnh lỵ và trĩ sẽ khỏi. Tỳ Vị mạnh thì sinh tân dịch. Gân mạch được nuôi dưỡng thì chứng chuột rút sẽ hết, ứ trệ sẽ thay đổi, khí trệ sẽ tiêu. Khí huyết điều hòa thì đau nhức giảm.

Kết hợp thêm huyệt Trung Phong làm cho gân được thư thái không còn co rút. Thêm huyệt Cách Du làm cho hạ được khí nghẹt ở ngực” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

Tham khảo thêm

Kết luận

Tóm lại, nếu không hiểu rõ huyệt đạo này, người bệnh nên đến những cơ sở uy tín để có thể điều trị bệnh lí hiệu quả nhất, tránh những trường tác dụng sai cách khiến bệnh tình nặng hơn.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *