HUYỆT HỘI ÂM
Ý nghĩa tên gọi Huyệt Hội Âm đó là: Hội = họp lại. Âm = ý chỉ bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn. Huyệt nằm ở giữa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn, được coi là nơi phần âm của cơ thể và cũng là nơi khởi đầu của mạch Nhâm, Xung và Đốc, huyệt cũng là nơi hội của các kinh Âm, vì vậy gọi là Hội Âm (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Bình Ế, Hạ Âm Biệt, Hạ Cực, Hải Để.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 1 của mạch Nhâm.
- Huyệt Hội của 3 mạch Nhâm, Xung và Đốc.
- Huyệt Hội của các kinh Âm.
Vị trí huyệt hội âm
Giữa tiền âm và hậu âm (Giáp Ất) hoặc ở giữa bìu dái và hậu môn (đàn ông) hoặc ở đường sau của âm thần và hậu môn (phụ nữ), huyệt ở giữa nút đáy chậu (chỗ tụ hội của các nếp da chạy từ hậu môn, phần sinh dục ngoài và 2 bên háng tới).
Giải phẫu
Huyệt ở giữa nút xơ đáy chậu, nút được tạo nên bởi sự đan chéo nhau của các thớ cơ: ngang nông đáy chậu, thắt vân hậu môn, thắt vân niệu đạo, cơ âm đạo – trực tràng, cơ trực tràng – niệu đạo, cơ ngang sâu đáy chậu và bó trước hậu môn của cơ nâng hậu môn. Thần kinh vận động cơ do 2 nhánh đáy chậu của thần kinh thẹn trong. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S5.
Tác dụng
Cường yêu, ích Thận, điều tức hai mạch Xung Nhâm.
Chủ trị
Trị các bệnh của hệ sinh dục ngoài, bệnh của hậu môn, niệu đạo (niệu đạo viêm, tiền liệt tuyến viêm), kinh nguyệt không đều, di tinh, điên cuồng, chết đuối, thượng mã phong.
Châm cứu
Châm thẳng sâu 0,3 – 1,5 thốn. Cứu 10 phút.
Phối hợp huyệt
Cứu Hội Âm + Tam Âm Giao (Ty 6) trị sinh xong bỗng nhiên té ngã bất tỉnh (Châm Cứu Tập Thành).
Tham khảo
“Châm Hội Âm + Nhân Trung (Đc 26) thì hô hấp thay đổi rõ” (Ngô Lạc Quân -Trung Quốc).
Ghi chú
Vùng huyệt rất dễ bị nhiễm trùng, cần thận trọng khi châm.