Huyệt Thiếu Xung là huyệt vị thứ 9 của Kinh Tâm, đây được xem là nơi khí huyết thịnh. Huyệt vị này đóng vai trò quan trọng trong tản nhiệt, thanh thần chí,… Vì thế, trong Đông Y đã áp dụng phương pháp bấm huyệt, châm cứu để giúp người bệnh điều trị một số chứng như hồi hộp, sốt cao, hôn mê,…
HUYỆT THIẾU XUNG
Để hiểu rõ hơn về vị trí, công dụng và cách bấm huyệt Thiếu Xung, mời mọi người kham khảo bài viết dưới đây của Y Cổ Truyền!
Huyệt Thái Xung Là gì?
Theo Trung Y Cương Mục, Thiếu Xung là một từ ghép, trong đó Thiếu có nghĩa là thiếu âm và Xung có nghĩa là xung yếu (vị trí hiểm yếu, đặc biệt quan trọng).
Tên gọi huyệt đạo này mang ý nghĩa là nơi khí huyết thịnh, do đó được gọi là huyệt Thiếu Xung.
Tên gọi khác
Kinh Thỉ, Kinh Thủy.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 9 của kinh Tâm.
- Huyệt Tỉnh của kinh Tâm, thuộc hành Mộc.
- Huyệt Bổ của kinh Tâm.
- Huyệt đặc biệt dùng với huyệt Thương Dương (Đtr.1), châm theo phương pháp Mậu Thích trong bệnh do phong (sốt gián đoạn), khi cánh tay mới đau.
Vị Trí Của Huyệt Thiếu Xung Ở Đâu?
Huyệt Thiếu xung được xác định ở ngón út phía tay quay, cách phía cuối góc chân móng tay út khoảng 0,1 thốn và nằm trên đường tiếp giáp da gan tay – mu tay.
Cách giải phẫu huyệt Thiếu Xung chi tiết
- Dưới da là giữa chỗ bám của gân ngón 5, cơ gấp chung sâu các ngón tay và gân ngón út, cơ duỗi chung các ngón tay, bờ ngoài của đốt 3 xương ngón tay út.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác Dụng Của Huyệt Thiếu Xung
Dựa trên các đặc điểm về vị trí, khi tác động lên huyệt vị này có tác dụng tả nhiệt, khai Tâm khiếu và thanh thần chí.
Nhờ những công dụng đó, huyệt thiếu xung có vai trò trong điều trị một số bệnh như sau:
Điều trị các chứng hồi hộp: những người bệnh có cơ địa dễ bị hoặc tần suất bị hồi hộp quá nhiều có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt, châm cứu ở huyệt vị này để cải thiện triệu chứng.
Điều trị bệnh trúng phong: đây là một căn bệnh xảy ra đột ngột, có thể dẫn đến đột tử hoặc để lại di chứng quá nặng nề như: không cử động được tay chân, méo miệng, cấm khẩu hay liệt toàn thân.
Phương Pháp Châm Cứu, Bấm Huyệt Thiếu Xung Chính Xác
Cách châm cứu
Sau khi khử trùng sạch sẽ kim châm, tiến hành châm sâu từ 0,1 đến 0,2 thốn, ôn cứu từ 5 – 10 phút và cứu từ 2 đến 3 tráng.
Cách bấm huyệt
Xác định vị trí huyệt, sau đó xoa bóp huyệt khoảng 3 phút với lực vừa phải, đồng thời kết hợp với ấn liên tục đến khi cảm thấy hơi đau trướng thì ngừng thực hiện.
Ngoài ra, khi phối hợp huyệt thiếu xung với các huyệt đạo khác để điều trị các bệnh như:
1. Phối Đại Chung (Th.4) trị miệng nhiệt (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Quan Xung (Ttu 1) + Thiếu Thương (P.11) + Thiếu Trạch (Ttr.1) + Thương Dương (Đtr.1) + Trung Xung (Tb.9) trị trúng phong hôn mê, đờm dãi khò khè (Châm Cứu Đại Thành).
3. Phối Khúc Trì (Đtr.11) trị phát sốt (Bách Chứng Phú).
4. Phối hợp với các huyệt vị khác như Thiếu Thương, Thương Dương, Quan Xung , Thiếu Trạch, Dũng Tuyền, Ẩn Bạch, Lệ Đoài và Túc Khiếu Âm theo (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Chú Ý Khi Thực Hiện Châm Cứu, Bấm Huyệt Thiếu Xung
Các phương pháp trên cần được thực hiện bởi người có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm tại các trung tâm điều trị Đông Y uy tín.
Người bệnh nhạy cảm với kim châm hoặc sợ kim, phụ nữ có thai, người sức khỏe yếu, người mắc bệnh lý rối loạn đông máu, da chai sẹo hoặc đang bị viêm nhiễm, … cần được tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiến hành điều trị để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Không nên tự ý thực hiện tại nhà để tránh các tác dụng không mong muốn gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh nên đi khám để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Tổng Kết
Huyệt Thiếu Xung là huyệt vị quan trọng với cơ thể, được áp dụng để điều trị các bệnh lý khác nhau đặc biệt là các chứng hồi hộp, sốt cao, hôn mê. Khi gặp các vấn đề này bệnh nhân có thể đến những nơi Y Học uy tín, giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Y HỌC CỔ TRUYỀN
Y Học Cổ Truyền là dự án website thuộc quản lý và phát triển bởi Y Sĩ Lê Hồng Quang. Website chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các bài viết và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về Y Học Cổ Truyền. Chúng tôi tập trung vào các hạng mục như: BÀI THUỐC, CÂY THUỐC, HUYỆT ĐẠO, CHỨNG BỆNH, SÁCH THUỐC, SÁCH Y HỌC, CẨM NANG, ...
Bài viết liên quan: