Huyệt Thần Môn là một trong những huyệt đạo trên cơ thể, theo Y Học Cổ Truyền khi châm cứu vào huyệt vị này có tác dụng cải thiện một số chứng bệnh an thần, điều khí, thanh tâm. Vậy cách châm cứu huyệt Thần Môn như thế nào?
HUYỆT THẦN MÔN
Mời mọi người cùng kham khảo bài viết dưới đây của Y Cổ Truyền để có thể hiểu rõ hơn về vị trí, tác dụng cũng như cách châm cứu huyệt đạo này!
Huyệt Thần Môn Là Gì?
Ý nghĩa tên gọi đó là: Theo Y Cổ Truyền, Tâm tàng Thần, huyệt này là huyệt Nguyên, nơi kinh khí mạnh nhất của Tâm, châm huyệt này ảnh hưởng (coi như cửa = môn) đến Tâm và Thần, vì vậy gọi là Thần Môn.
Tên gọi khác
Duệ Trung, Đoài Lệ, Đoài Xung, Trung Đô.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 7 của kinh Tâm.
- Huyệt Du, Huyệt Nguyên, thuộc hành Thổ.
- Huyệt Tả của kinh chính Tâm.
- Huyệt đặc biệt, châm khi nhiệt tà vào kinh Tâm gây chứng khó chịu vùng tim, cơ thể run, sốt.
- Một trong những huyệt trị ngất như chết (Thi quyết) do rối loạn kinh Biệt Phế, Thận, Tâm, Vị.
Huyệt Đạo Có Vị Trí Ở Đâu?
Ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Giải phẫu
- Dưới da là gân cơ trụ trước, xương đậu và xương tháp.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Xem thêm
Huyệt Thần Môn Có Tác Dụng Gì?
Thanh Tâm nhiệt, an thần, thanh hỏa, lương vinh, điều khí nghịch.
Chủ trị
Trị hay mơ, mất ngủ, hồi hộp, động kinh, Hysteria, hay quên.
Cách Châm Cứu Huyệt Thần Môn Trị Bệnh
Cách thực hiện châm cứu huyệt đạo như sau:
Châm thẳng, hơi chếch qua phía xương trụ (ngón út), sâu 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 1 – 3 tráng, Ôn cứu 3 – 5 phút.
Ngoài ra, khi phối hợp huyệt thần môn với các huyệt vị khác có tác dụng chữa bệnh như:
1. Phối Thiếu Hải (Tm.3) trị tay co rút (Thiên Kim Phương).
2. Phối Dương Cốc (Ttr.5) trị cuồng, hay cười (Thiên Kim Phương).
3. Phối Quan Môn (Vi 22) + Trung Phủ (P.1) trị bệnh về tiêu tiểu (Bị Cấp Thiên Kim Phương).
4. Phối Cự Khuyết (Nh 14) + Lãi Câu (C 5) trị hồi hộp, lo sợ, hụt hơi (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Trung Phủ (P.1) trị tiểu nhiều (Phổ Tế Phương).
6. Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Tâm Du (Bq 15) + Thiếu Thương (P.11) trị si ngốc (Châm Cứu Đại Thành).
7. Phối Nội Quan (Tb.6) + Tâm Du (Bq 15) trị hồi hộp (Châm Cứu Đại Thành).
8. Phối Bá Hội (Đc 20) + Nội Quan (Tb.6) trị lo sợ, thần sắc tâm tư không yên (Châm Cứu Đại Toàn).
9. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Nhiên Cốc (Th.2) + Nội Quan (Tb.6) + Thiếu Xung (Tm.8) trị tim đau, hồi hộp (Châm Cứu Tập Thành).
10. Phối Chí Dương (Đc 10) + Công Tôn (Ty.4)+ Đởm Du (Bq 19) + Tiểu Trường Du (Bq 27) + Ủy Trung (Bq 40) + Uyển Cốt (Ttr.4) trị tửu đản, toàn thân và mắt đều vàng, Tâm thống, mặt đỏ vằn, tiểu không thông (Châm Cứu Tập Thành).
11. Phối Cao Hoang (Bq 43) + Dịch Môn (Ttu 2) + Giải Khê (Vi 41) + Nội Quan (Tb.6) trị hồi hộp, hay quên, mất ngủ (Thần Cứu Kinh Luân).
12. Phối Tâm Du (Bq 15) trị si ngốc, dại khờ (Thần Cứu Kinh Luân).
13. Phối Ẩn Bạch (Ty.1) + Đại Lăng (Tb.7) + Thái Khê (Th.3) trị thổ huyết, tiêu ra máu (Nho Môn Sự Thân).
14. Phối Nội Quan (Tb.6) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị thần kinh suy nhược, mất ngủ (Châm Cứu Học Thượng Hải).
15. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ.34) [thấu Âm Lăng Tuyền] + Nội Quan (Tb.6) + Tâm Du (Bq 15) trị nhịp tim không đều (Châm Cứu Học Thượng Hải).
16. Phối Khí Hải (Nh 6) + Trung Quản (Nh 12) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị khí hư, lo sợ (Trung Hoa Châm Cứu Học).
17. Phối Phong Long (Vi 40) + Tâm Du (Bq 15) + Trung Quản (Nh 12) + Vị Du (Bq 19) đều tả, trị mất ngủ (Trung Hoa Châm Cứu Học).
18. Phối Tam Âm Giao (Ty.6) trị mất ngủ (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Xem thêm
Tham khảo
Thiên Thích Ngược ghi: “ Bệnh ngược phát từ Tâm, làm cho Tâm phiền. Chỉ muốn uống nước mát, mà hàn nhiều, nhiệt ít… Nên thích thủ Thiếu Âm [huyệt Thần Môn] (Tố Vấn 36, 8).
“Nghiên cứu điện trở các huyệt Thần Môn, Bá Hội (Đc 20), Phong Trì (Đ.20), Thiên Trụ (Bq 10) trong các ngày có các vụ nổ của mặt trời (bức xạ cao) và những ngày mặt trời yên tĩnh (bức xạ thấp), thấy: vào những có các vụ nổ của mặt trời thì điện trở của các huyệt này cao lên và những ngày mặt trời yên tĩnh thì điện trở của chúng lại hạ thấp” (Dimitru – Rumani).
“Huyệt Thần Môn và Đại Lăng (Tb.7) có tác dụng trong điều trị bệnh ở Tâm nhưng có điểm khác nhau: Nếu Tâm thuộc thực chứng, đa số là do Tâm Bào Lạc thụ tà khí. Nếu Tâm thuộc hư chứng, đa số do tạng Tâm, do nội thương.
Tâm bào lạc có Nguyên huyệt, huyệt con (tử) là Đại Lăng, thiên về trị Tâm hỏa ủng thịnh, tà tại Tâm bào, đờm hỏa công lên Tâm, hợp với Tâm kết ứ trệ gây ra bệnh. Thường dùng tả pháp.
Tâm kinh có Nguyên huyệt, huyệt con (tử) là Thần Môn, không dùng trị những chứng giống Đại Lăng mà trị Tâm hư chứng, trị Tâm khí bất túc, Tâm huyết hư suy. Hư thì phải dùng phép bổ (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Bổ Thần Môn + Tam Âm Giao (Ty.6) + Hợp Cốc (Đtr.4) có tác dụng giống như bài Nhân Sâm Dưỡng Vinh Thang trong sách Hòa Tễ Cục phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Tả Thần Môn + bổ Phục Lưu (Th.7) có tác dụng giống bài Hoàng Liên A Giao Thang trong sách Thương Hàn Luận (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Tả Thần Môn + bổ Tam Âm Giao (Ty.6) có tác dụng giống bài Chu Sa An Thần Hoàn trong sách Lan Thất Bí Tàng (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Bổ Thần Môn + Tam Âm Giao (Ty.6) + Tâm Du (Bq 15) có tác dụng an thần, định chí, giống bài Dưỡng Tâm Thang của sách Chứng Trị Chuẩn Thằng (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Tả Thần Môn + tả Tam Âm Giao (Ty.6), dùng phương pháp ‘Thấu Thiên Lương’, có tác dụng giống bài Tê Giác Địa Hoàng Thang’ trong Thiên Kim Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Thần Môn và Thông Lý (Tm.5) là 2 huyệt thường dùng trị bệnh ở Tâm nhưng có điểm khác nhau: Thần Môn thiên về trị thực chứng và hư chứng Tâm Thực, Tâm Hư). Thông Lý thiên về trị thực chứng (Tâm Thực), bệnh ở lưỡi, bệnh ở tiểu trường” (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).
Lưu ý
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ.
Xem thêm: Huyệt Nhĩ Môn
Tóm lại, huyệt Thần Môn là huyệt đạo quan trọng, người bệnh cần đến những cơ sở y tế uy tín để có thể được tư vấn và hỗ trợ điều trị tốt nhất, tránh những trường hợp tự châm cứu tại nhà gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.